Xôi là món nhà nhà nấu, người người nấu mỗi dịp giỗ chạp, Tết nhất, ngày rằm, mồng một hay để ăn sáng. Làm sao để có thể nấu được các món xôi ngon, công thức nấu xôi ngọt xôi mặn nào đang được tìm kiếm nhiều nhất hiện nay. Hôm nay mình sẽ chia sẻ đến bạn!
[toc]
Bí quyết nấu các món xôi ngon nhất
-
Mẹo chọn gạo nếp
Gạo nếp chính là nhân tố quan trọng nhất làm nên các món xôi ngon. Các loại gạo nếp như nếp nương, nếp Tú Lệ, nếp nhung, nếp cái hoa vàng…. đều là những loại ngon được sử dụng để nấu xôi. Trong đó, nếp cái hoa vàng được chọn nhiều nhất vì dẻo, thơm, dễ mua và giá không đắt.
Khi chọn nếp, dù là loại nếp nào, bạn cũng nên lưu ý chọn loại gạo hạt đều, có màu trắng đục, căng bóng, không nên chọn loại nếp trắng tinh xay kỹ sẽ làm mất đi phần vỏ cám chứa nhiều vitamin của hạt gạo nếp.
-
Thời gian ngâm gạo
Tùy vào từng loại nếp mà thời gian ngâm gạo bạn nên có sự thay đổi linh hoạt. Nếp mới thường mềm và dẻo nhanh hơn nếp cũ. Vì vậy cần thời gian ngâm ít hơn. Thông thường các loại nếp được ngâm trong khoảng thời gian từ 6-8 tiếng.
Nếu nấu nếp vào buổi sáng thì bạn nên ngâm gạo vào buổi tối. Nếu nấu nếp vào buổi trưa thì bạn nên ngâm vào sáng sớm. Nếu bạn nấu vào buổi tối nên ngâm từ buổi sáng.
-
Cách ngâm gạo nếp
Ngâm nếp sẽ giúp nếp khi hấp nhanh chính, mềm dẻo hơn nên bạn nhất thiết không được bỏ qua khâu quan trọng này. Trước khi ngâm nếp bạn nên đãi sạch sạn, vẩn, rửa nếp nhẹ nhàng.
Sau khi ngâm bạn đổ nếp ra rổ, rá sau đó tráng qua một lượt nước sạch để rửa hết nước chua sau khi ngâm. Đối với những loại nếp ngâm để lên màu, bạn không được rửa bằng nước sạch sẽ làm nhạt màu của gạo nếp, bạn nên đổ ra rổ rá, để ráo nước.
Sau khi ngâm gạo bạn nên cho một xíu muối ăn trắng vào gạo nếp trộn đều sẽ giúp nếp khi ăn có vị đằm, dễ ăn hơn, ngon hơn. Bạn lưu ý là chỉ cho một chút xíu muối không được cho nhiều sẽ khiến xôi bị mặn, không ngon.
-
Nấu xôi bằng chõ hoặc nồi hấp
Một trong những bí quyết nấu các món xôi ngon một cách dễ dàng cho những cô nàng không thực sự khéo léo đó là dùng chõ nấu xôi. Sử dụng chõ nấu món xôi sẽ dễ nấu và không bị nhão hơn so với nấu bằng nồi cơm điện.
Khi chọn mua nồi hấp tùy vào số lượng nguyên liệu hấp xôi nhiều hay ít bạn lựa chọn nồi hấp, chõ hấp sao cho vừa vặn, phù hợp. Khi hấp xôi nếu vỉ hấp có lỗ to bạn nên đặt một miếng vải mỏng mềm trước khi cho gạo vào hấp như vậy hạt gạo sẽ không bị lọt xuống dưới.
-
Nước hấp các món xôi ngon
Nhiều người nghĩ rằng cho nhiều nước hấp xôi sẽ có nhiều hơi nước xôi nhanh chính. Nhưng thực tế cho thấy nếu cho nhiều nước khi hấp nước sẽ bắn lên xôi, phần xôi ở đáy sẽ dễ bị nhão, ăn không ngon. Vì thế, bạn nhớ chỉ đổ nước hấp xôi bằng ⅓ nồi hấp. Nếu muốn xôi thơm trước khi hấp bạn cho thêm một vài lá nếp xôi sẽ thơm hơn.
Bạn lưu ý nên đun sôi nước sau đó cho gạo vào hấp, xôi sẽ chín đều hơn. Trong quá trình hấp xôi, nếu hấp xôi với số lượng lớn cần nhiều thơi gian bạn nên lưu ý xem lại nước hấp, nếu nước ít đi bạn nên cho thêm nước vào nồi và hấp tiếp đến khi xôi chín.
-
Mẹo để xôi chín đều
Khi cho gạo vào vỉ hấp bạn không nên rải gạo phủ kín mà nên để trống phần giữa vỉ hấp. Trước khi hấp bạn có thể sử dụng đũa chọc mấy lỗ cho hơi nước bốc lên. Điều này sẽ giúp xôi sẽ chín đều.
Trong quá trình hấp xôi cứ 10 phút bạn nên mở vung nồi hấp một lần để lấy đi lượng nước hấp trên bề mặt nồi, xôi sẽ chín đều không bị rớt nước dẫn đến chỗ nhão chỗ khô.
-
Thời gian hấp xôi
Thông thường, khi đun lửa vừa xôi hấp sẽ chín trong thời gian từ 40-60 phút. Tùy vào lượng xôi cần hấp, các loại nguyên liệu nhanh chín hay lâu chín, thời gian hấp xôi sẽ khác nhau. Khi thấy xôi mềm, dẻo bạn có thể kiểm tra bằng cách ăn thử để có thể kiểm định được xôi đã chín hay chưa.
-
Nấu xôi dùng nước cốt dừa tươi
Nước cốt dừa là một trong những nguyên liệu không thể thiếu của rất nhiều món xôi ngọt. Nước cốt dừa giúp món xôi thơm hơn, ngon hơn ngậy hơn. Nhiều bạn thắc mắc nên sử dụng nước cốt dừa mua sẵn hay tự làm.
Theo mình thì mỗi loại có những ưu điểm riêng, nước cốt dừa pha sẵn thì đậm đà hơn. Nước cốt dừa tự làm là mua quả dừa về bạn nạo sợi cùi dừa rồi xay cùi dừa lấy nước.
Nước cốt dừa từ quả dừa thơm vị tự nhiên, bảo đảm sức khỏe song chế biến mất nhiều công hơn. Bản thân mình với những món xôi cần tới nước cốt dừa và sợi cùi dừa thường mua quả dừa về bổ lấy nước uống, phần cùi dừa vừa làm nước cốt vừa để nạo sợi ăn cùng xôi.
Bạn lưu ý nên chọn dừa bánh tẻ không quá non không quá già bởi vì dừa non sẽ khó nạo thành sợi, dừa già sợi dừa rất cứng.
-
Mẹo để xôi bóng mọng, ngon mắt
Khi xôi mềm bạn cho một chút dầu ăn hoặc mỡ vào đảo đều rồi hấp tiếp thêm vài phút cho mỡ và xôi quyện vào nhau hạt xôi sẽ bóng đẹp, ăn sẽ ngậy hơn.
-
Cách đảo xôi không bị nát
Trong quá trình đảo xôi bạn lưu ý nên dùng đũa để đảo xôi, đảo đều tay nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp xôi không bị nát, đẹp mắt và ăn ngon hơn.
>>Xem thêm: Biết sớm 22 mẹo nấu ăn và làm bếp này có phải tốt không? |
22 các món xôi lạ miệng, ngon và dễ làm
A. Các món xôi ngọt ngon
-
Xôi mít lá dứa
Xôi mít lá dứa là một trong những món xôi không chỉ đẹp mắt mà ăn rất ngon, giống như một thức quà ăn vặt thanh tao nhưng có thể no bụng.
Để làm món xôi này công thức như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, lá dứa, 1 quả dừa, vừng, muối
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp vo sạch. Lá dứa xay lọc lấy nước trong. Quả dừa bổ lấy nước, nạo cùi dừa thành sợi. Mít bóc lấy múi, lột bỏ hột sao múi mít vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu.
Cho nước lá dứa, một ít nước dừa vào nếp trộn đều ngâm trong khoảng 6-8 tiếng. Sau đó xóc gạo sạch nước thêm một chút muối ăn trộn đều để ráo nước.
Nấu xôi mít lá dứa:
Cho nước vào nồi hấp đun sôi sau đó cho gạo lên giá hấp đậy vung hấp. Khi xôi mềm dẻo, đổ xôi ra một bát to để nguội.
Dừa nạo sợi cho vào máy say hoặc giã với một chút nước, vắt lấy phần nước cốt đặc. Cho nước cốt dừa vào nồi nhỏ thêm một chút đường, muối, vani và một chút bột năng để tạo độ sánh. Khi hỗn hợp sôi nêm nếm vừa khẩu vị tắt bếp để nguội.
Tiếp đến, cho xôi vào múi mít, rưới chút nước cốt dứa vừa pha chế rắc thêm vừng và sợi dừa đặt ra đĩa.
Bên cạnh xôi mít lá dứa, xôi mít cốt dừa, xôi mít hoa đậu biếc cũng là những món được nhiều người tìm kiếm cách nấu. Cách nấu xôi mít cốt dừa, cách nấu xôi mít hoa đậu biếc cũng tương tự.
Điều khác duy nhất là ở chỗ nấu xôi mít cốt dừa không cần thêm nước lá dừa hạt nếp trắng, xôi mít hoa đậu biếc thì thay vì nước lá dứa bạn thay bằng nước hoa đậu biếc ngâm. Mỗi loại xôi mít có màu sắc hương vị đặc trưng tùy vào sở thích bạn có thể lựa chọn thích hợp nhất.
-
Xôi gấc đậu xanh
Xôi gấc đậu xanh là một trong những món xôi được yêu thích bởi màu sắc hướng tới những điều may mắn tốt đẹp, thịnh vượng. Xôi gấc đậu xanh cũng có hương vị rất thơm ngon, chính vì thế đây luôn là một trong các món xôi ngon cho bữa sáng được nhiều người nấu nhất hiện nay.
Cách nấu món xôi gấc đậu xanh như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, đậu xanh,1 quả dừa, 1 quả gấc, muối, đường, dầu ăn, rượu trắng.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo ngâm 6-8 tiếng xóc nhặt vẩn, sạn, để ráo nước sau đó rắc một chút muối đảo đều.
Dừa bổ lấy nước, cùi dừa nạo thành sợi.
Đậu xanh ngâm 3-4 tiếng cho nở mềm sau đó đãi sạch vỏ để ráo nước.
Gấc bổ lấy ruột đỏ, bỏ hạt rồi bóp cùng một chút rượu trắng.
Nấu xôi gấc đậu xanh
Trộn đều gạo nếp và phần thịt gấc đảo đều cho 2 nguyên liệu hòa trộn vào nhau, sau đó cho vào nồi, chõ hấp. Trong quá trình hấp, bạn lưu ý đảo xôi 1-2 cho xôi chín đều.
Khi xôi đã mềm, dẻo, rắc thêm một chút đường, một chút dầu ăn vào đảo đều, rồi tiếp tục hấp thêm vài phút cho các nguyên liệu thấm vào nhau.
Đậu xanh hấp chín rồi đánh nhuyễn cho thêm một chút đường, một chút muối trộn đều, để nhỏ lửa 3-5 phút cho đường tan ngấm vào đậu xanh.
Dùng khuôn để ấn xôi. Bạn cho lần lượt xôi gấc ở đáy, một lớp mỏng đậu xanh, một lớp xôi gấc trên cùng, ấn xôi thành hình giống khuôn rồi đặt xôi vào đĩa lấy khuôn ra. Rắc thêm một ít dừa sợi trên mặt, xung quanh xôi cho đẹp mắt.
-
Xôi hạt sen lá dứa
Màu xanh của xôi lá dứa hòa quyện vào màu vàng nhạt của những hạt sen khiến cho món xôi hạt sen lá dứa thu hút bất cứ ai mới nhìn đầu tiên. Đây cũng là một trong các món xôi ngon nổi tiếng rất dễ nấu.
Bạn có thể thực hiện theo các bước lần lượt như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, hạt sen, lá dứa, nước cốt dừa, muối, đường.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp, hạt sen (không tim) đem ngâm khoảng từ 4-6 tiếng, rửa sạch để ráo nước. Lá dứa đem xay lọc lấy nước.
Cho nước lá dứa vào gạo ngâm ngập ngập gạo trong 6-8 tiếng cho nước lá dứa ngấm vào gạo sau đó đổ ra rổ rá để ráo nước rắc thêm một chút muối ăn trộn đều.
Hạt sen đem vào luộc trong thời gian khoảng từ 10-15 phút (10 phút đối với hạt sen tươi, 15 phút đối với hạt sen khô) sau đó rửa sạch lại với nước để ráo.
Nấu xôi hạt sen lá dứa:
Trộn hạt sen vào gạo cho gạo vào nồi hấp xôi. Khi hạt xôi chín mềm cho một chút đường, một chút nước cốt dừa vào đảo đều.
Tiếp tục hấp xôi thêm một ít phút để các nguyên liệu quyện vào nhau. Kiểm tra xôi và tắt bếp, xới xôi ra đĩa, bát. Bạn đã có món xôi hạt sen lá dứa thơm ngon, màu sắc đẹp mắt cho gia đình.
-
Xôi hoa đậu biếc tươi
Xôi hoa đậu biếc tươi là loại xôi được nhiều người tìm kiếm công thức nấu trong thời gian gần đây. Màu sắc lạ mắt, hương vị thơm ngon, cách nấu xôi hoa đậu biếc tươi cũng khá đơn gian.
Bạn có thể dễ dàng thực hiện:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, hoa đậu biếc tươi, nước cốt dừa, muối, dầu ăn, đường.
Sơ chế nguyên liệu:
Hoa đậu biếc tươi đem nấu với một chút nước, đảo các cánh hoa hoa sẽ dần nhạt màu và nước dần đậm màu (muốn xôi đậm màu thì sử dụng nhiều hoa, xôi nhạt màu thì sử dụng ít hoa, có thể sử dụng hoa tươi hoặc hoa khô đều được).
Gạo nếp vo sạch, sau đó ngâm với nước hoa đầu biếc trong 6-8 tiếng rồi đổ ra rá cho ráo nước, cho thêm một chút muối ăn, một chút dầu ăn, trộn đều.
Nấu xôi hoa đậu biếc tươi
Đem gạo cho vào nồi hấp. Khi thấy xôi mềm bạn cho một chút nước cốt dừa, một chút đường vào trộn đều (lưu ý nếu hấp bằng chõ xôi bạn nên lấy xôi ra bát lớn rồi đảo các nguyên liệu, không nên đảo trực tiếp các nguyên liệu trong chõ, xôi sẽ dễ bị rơi xuống nước).
Tiếp tục hấp thêm một vài phút để các nguyên liệu quyện vào nhau, kiểm tra xôi và tắt bếp.
Bạn có thể ăn xôi hoa đậu biếc kèm cùng muối vừng lạc sẽ ngon hơn.
-
Xôi đậu xanh nước cốt
Cũng giống như xôi gấc, xôi đậu xanh là một trong những món xôi phổ biến nhất, được nhiều người làm nhất mỗi khi gia đình có lễ Tết, cúng ngày rằm mồng một.
Dưới đây là cách làm xôi đậu xanh nước cốt dừa thơm ngon, bùi béo, bạn có thể dễ dàng thực hiện:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, đậu xanh (đỗ xanh), quả dừa, muối, dầu ăn
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp đem ngâm từ 6-8 tiếng, rửa sạch để ráo nước, cho thêm một chút muối ăn, trộn đều.
Đậu xanh đem ngâm 3-4 tiếng. Nếu là đậu có vỏ thì sau khi ngâm xong đi đãi sạch vỏ, để ráo nước.
Dừa bổ lấy nước dừa, cùi nạo sợi. Đem một ít sợi dừa đi xay lấy ít nước cốt dừa.
Nấu xôi đậu xanh nước cốt dừa:
Gạo và đỗ trộn đều sau đó đem vào nồi hấp. Tùy vào số lượng ít hay nhiều thời gian xôi chín sẽ khác nhau. Thông thường với lượng ít xôi sẽ chín trong thời gian 20 phút số lượng xôi hấp nhiều cần thời gian nhiều hơn thường 30 phút hoặc nhiều hơn 30 phút một chút.
Khi xôi mềm, dẻo, bạn cho nước cốt dừa, một chút dầu ăn tưới lên xôi đảo đều sau đó hấp lại một vài phút cho các nguyên liệu quyện lẫn vào nhau, kiểm tra xôi và tắt bếp.
Bắc xôi bày xôi ra đĩa ra rắc thêm sợi dừa vào xôi. Như vậy bạn đã có một đĩa xôi nước cốt dừa thơm ngon ăn vào là mê.
-
Xôi sầu riêng nước cốt dừa
Sầu riêng có mùi rất khó chịu với nhiều người. Nhưng một số không nhỏ những người khác có thể ngửi được mùi sầu riêng, thích ăn múi sầu riêng thì sầu riêng thực sự là loại quả ngon tuyệt hảo. Sầu riêng nấu xôi nghe lạ tai, có vẻ khó để làm nhưng thực ra công thức nấu xôi sầu riêng nước cốt dừa cũng không hề khó khăn.
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, sầu riêng, bột nghệ, nước cốt dừa, đường, muối
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp rửa sạch, cho một chút bột nghệ vào ngâm trong thời gian từ 6-8 tiếng. Sau đó, đổ ra rổ rá để ráo nước thêm một chút muối ăn trộn đều.
Sầu riêng bóc lấy múi.
Cách nấu xôi sầu riêng:
Cho gạo nếp vào nồi hấp. Khi xôi dẻo, mềm cho một chút nước cốt dừa vào đảo đều. Tiếp đó, rắc thêm một chút đường vào đảo đều rồi hấp tiếp cho các nguyên liệu quyện vào nhau trong một vài phút. Kiểm tra lại xôi và tắt bếp.
Để xôi ấm nóng vừa phải sau đó bạn cho sầu riêng vào đảo đều cùng xôi. Lưu ý bạn không nên để xôi nóng cho sầu riêng sẽ bị chín và gắt mùi, cũng không nên xay nhuyễn sầu riêng cho vào xôi, xôi dễ bị nhão ăn không ngon.
Bày xôi ra đĩa và thưởng thức, rắc thêm dừa nạo sợi và thưởng thức.
-
Xôi đỗ xanh hạt sen nước cốt dừa
Một trong các món xôi ngon miền Bắc hay miền Trung, Nam đề được nhiều người yêu thích đó là món xôi đỗ xanh hạt sen nước cốt dừa.
Cách nấu xôi đỗ xanh hạt sen nước cốt dừa như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, đỗ xanh, hạt sen, quả dừa, muối, đường, dầu ăn.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp, đậu xanh ngâm 6-8 tiếng, rửa sạch để ráo nước và cho một ít muối ăn trộn đều cùng gạo nếp.
Hạt sen rửa sạch bỏ tâm sen, cho vào nồi nước luộc chín vừa. Sau đó vớt ra để ráo nước
Dừa bổ chắt lấy nước, cùi nạo sợi. Lấy một chút dừa sợi đem xay chắt lấy nước cốt dừa.
Nấu xôi đỗ xanh hạt sen nước cốt dừa
Cho gạo vào nồi hấp xôi, khi xôi mềm dẻo tắt bếp. Cho hạt sen, nước cốt dừa, dừa sợi, một chút dầu ăn vào đảo đều bằng đũa.
Tiếp tục hấp xôi cho các nguyên liệu quyện vào nhau. Hấp khoảng 10-20 phút sau đó tắt bếp. Xới xôi ra đĩa.
Bạn có thể chế biến vừng, lạc pha muối ăn cùng xôi sẽ ngon hơn.
-
Xôi ngũ sắc Tây Bắc
Xôi ngũ sắc Tây Bắc của người dân tộc Tày, dân tộc Thái sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng… Xôi ngũ sắc có 5 màu phổ biến là các màu: trắng,đỏ, xanh lá, vàng, tím… Màu sắc xôi thường được lấy pha chế từ rau củ quả, rất an toàn cho sức khỏe.
Xôi ngũ sắc tượng trưng cho triết lý âm dương, ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, để cúng mong cho trời đất được yên bình, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong dịp lễ, Tết. Đây là một trong các món xôi ngọt ngon có nguồn gốc từ miền núi nổi tiếng khắp Việt Nam.
Sau đây là cách làm xôi ngũ sắc Tây Bắc:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, bắp cải tím, tinh bột nghệ, gấc, lá nếp, nước cốt dừa, đường, muối.
Sơ chế nguyên liệu:
Đem xay bắp cải tím, lá nếp ra lấy nước trong. Pha nước tinh bột nghệ (có thể dùng nghệ tươi xay lọc lấy nước). Gấc bổ lấy một ít thịt gấc cho vào bát.
Chia gạo thành 5 phần bằng nhau, đem ngâm mỗi loại gạo nếp vào một bát. 2 bát ngâm nước trắng, một bát ngâm nước lá dứa, một bát ngâm nước bắp cải tím, một bát ngâm nước nghệ. Ngâm từ 6-8 tiếng. Sau khi ngâm xong đổ các bát nếp ra bát hoặc rổ rá để ráo nước.
Đem thịt gấc trộn vào một phần gạo trắng đã chia trước đó trộn cho thịt gấc hòa quyện với gạo trắng. Một phần gạo trắng còn lại để nguyên không cho gì.
Nấu xôi ngũ sắc Tây Bắc:
Đem các bát gạo với nhiều màu sắc đổ gọn gàng từng góc trên nồi hấp sau đó đậy vung hấp xôi. Khi xôi chín cho nước cốt dừa một chút đường vào đảo từng góc xôi.
Tiếp đó hấp xôi thêm một chút thời gian cho các nguyên liệu quyện vào nhau tạo nên món ăn thơm ngon hấp dẫn.
Kiểm tra, tắt bếp, xới từng góc xôi bày ra đĩa. Nếu bạn thích ăn ngọt khi cho đường có thể cho nhiều đường một chút, nếu bạn thích ăn mặn nên cho ít đường và ăn cùng muối vừng lạc.
- Xôi dừa hạt sen
Xôi dừa hạt sen là một món ăn thơm ngon, bùi, bổ. Đây cũng là một trong các món xôi ngon được nhiều chị em tìm kiếm công thức nấu.
Để làm xôi dừa hạt sen bạn có thể tiến hành các bước như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, hạt sen, quả dừa, đường, dầu ăn, muối.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp đem ngâm trong thời gian từ 6-8 tiếng. Sau đó đãi sạch để ráo nước, cho thêm chút muối xóc đều.
Hạt sen rửa sạch, luộc chín vừa với một chút muối sau đó vớt ra rửa sạch lại
Dừa bổ lấy nước, nạo sợi dừa. Lấy một chút dừa nạo sợi xay lấy nước cốt dừa.
Cách nấu xôi dừa hạt sen:
Cho gạo nếp vào hấp.
Sợi dừa cho thêm chút đường vào đảo đều trong khoảng 2 phút.
Khi gạo mềm, dẻo cho sợi dừa vừa xao, hạt sen nước cốt dừa, một chút đường đảo đều rồi tiếp tục bật bếp hấp thêm 15-20 phút nữa cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau, rồi xới xôi ra tắt bếp.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong món xôi dừa hạt sen thơm ngon đẹp mắt.
-
Xôi ngô ngọt nước cốt dừa
Nếu bạn là tín đồ của ngô ngọt hãy thử một lần nấu xôi ngô ngọt nước cốt dừa để cảm nhận sự ngon của nó nhé.
Cách làm xôi ngô ngọt nước cốt dừa như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, quả dừa, ngô ngọt, muối.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp rửa sạch ngâm 6-8 tiếng. Sau đó rửa sạch lại xóc thêm một chút muối để ráo nước
Dừa quả bổ lấy nước và cùi. Cùi dừa nạo thành sợi. Lấy một chút sợi dừa nạo cho vào máy xay sau đó chắt lấy nước cốt dừa.
Ngô ngọt tách từ bắp ra rửa sạch. Cho ngô vào nồi luộc sơ qua trong khoảng 5-10 phút.
Nấu xôi ngô ngọt nước cốt dừa
Cho gạo vào nồi hấp đến khi gạo nếp mềm dẻo, cho ngô vừa luộc, dừa sợi, nước cốt dừa vào đảo đều. Tiếp tục hấp thêm cho các nguyên liệu hòa trộn vào nhau rồi tắt bếp.
Như vậy bạn đã có được một món xôi ngô ngọt nước cốt dừa thơm ngon cho cả nhà.
-
Xôi khoai lang tím
Xôi khoai lang tím có màu tím đẹp mắt, công thức nấu món xôi khoai lang tím rất đơn giản.
Bạn có thể làm như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, khoai lang tím, dừa nạo, vừng
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp ngâm qua đêm hoặc ngâm từ 6-8 tiếng. Sau đó, rửa sạch cho thêm một chút muối trắng vào trộn đều
Khoai lang tím gọt vỏ đem hấp hoặc luộc chín, sau đó cho vào bát đánh nhuyễn.
Vừng rang đãi sạch vỏ, cùi dừa nạo sợi
Nấu xôi khoai lang
Đem gạo vào nồi hấp. Khi gạo mềm cho khoai đã đánh nhuyễn, một chút đường, một chút dầu ăn vào đảo đều để các nguyên liệu quyện thấm vào nhau bật bếp hấp lại.
Sau đó lấy xôi ra và rắc thêm chút vừng, dừa nạo sợi. Vậy là bạn đã có món xôi khoai lang thơm ngon đẹp mắt cho cả gia đình.
-
Xôi lạc
Xôi lạc rất dễ nấu.
Để nấu xôi lạc bạn có thể tiến hành lần lượt theo các bước như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, lạc, dừa nạo, nước cốt dừa, muối, dầu ăn
Sơ chế nguyên liệu:
Ngâm gạo qua đêm hoặc trong thời gian từ 6-8 tiếng. Sau đó vớt ra để ráo nước. Cho thêm chút xíu muối vào đảo đều.
Đậu phộng ngâm trong 3-4 tiếng sau đó rửa sạch đem luộc đến khi chín thì bắc ra rửa sạch.
Nấu xôi lạc:
Cho gạo vào nồi hấp đến khi xôi mềm dẻo cho lạc, một chút nước cốt dừa, một chút dầu ăn vào đảo đều. Sau đó đem hấp thêm một chút thời gian nữa, cho dừa nạo sợi vào đảo đều và xới ra đĩa. Như vậy bạn đã có xôi lạc thơm ngon cho gia đình.
Lưu ý: Nếu không có thời gian luộc lạc bạn có thể cho lạc vào trộn cùng gạo rồi đem hấp với điều kiện lạc đã được ngâm trong 3-4 tiếng, nấu lạc không ngâm, hạt lạc sẽ bị cứng, ăn sậm sật và còn hôi.
-
Xôi xéo
Xôi xéo là một trong các món xôi ngon ở Hà Nội rất nổi tiếng. Món xôi được rất nhiều người sinh sống ở Hà Nội chọn mua để ăn sáng. Xôi xéo không hề khó để làm.
Bạn làm xôi xéo như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, đỗ xanh, hành củ tím, dầu ăn, muối, tinh bột nghệ.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp đem ngâm qua đêm với một chút tinh bột nghệ trong từ 6-8 tiếng. Sau đó đổ ra để ráo nước và cho một chút muối đảo đều.
Đỗ xanh ngâm từ 3-4 tiếng, đổ ráo nước cho thêm chút muối đảo đều.
Hành củ tím bóc vỏ thái lát mỏng.
Nấu xôi xéo:
Hấp chín đỗ sau đó cho vào bát đánh nhuyễn. Trong lúc đỗ còn ấm nóng nắm chặt vo thành viên tròn.
Cho gạo vào nồi hấp đến khi gạo thành xôi chín mềm.
Cho dầu vào chảo phi hành đến khi vàng giòn vớt hành ra, giữ nguyên mỡ hành cho vào bát nhỏ.
Khi xôi chín mềm bạn cho ra đĩa cắt đậu xanh từ viên đậu xanh rắc thêm hành khô trên mặt rồi rưới chút mỡ hành. Như vậy đã có món xôi ngon tuyệt vời cho gia đình.
-
Xôi nếp cẩm
Xôi nếp cẩm là loại xôi khá lạ vì không được nấu bởi những loại nếp trắng mà được nấu bằng nếp cẩm. Tưởng là khó nhưng các nấu xôi nếp cẩm khá đơn giản.
Bạn có thể làm như sau:
Nguyên liệu gồm có:
2 phần nếp cẩm, 1 phần nếp thường, đậu xanh bỏ vỏ, bột năng, đường, dừa nạo, nước cốt dừa. muối
Sơ chế nguyên liệu:
Nếp thường và nếp cẩm trộn đều sau đó đem vo sạch ngâm trong 4-6 giờ rồi rửa lại, xóc thêm một chút muối ăn.
Đậu xanh rửa sạch, ngâm nước từ 3-4 giờ sau đó đổ ra rổ, rá để ráo nước.
Nấu xôi nếp cẩm:
Cho gạo vào nồi hấp chín mềm
Cho đậu xanh vào luộc chín sau đó đổ nước cho đậu vào bát cho thêm chút đường, muối tán nhuyễn đậu xanh.
Cho nước cốt dừa lên bếp khuấy đều, tiếp tục cho thêm một chút bột năng, đường, cà phê, muối vào đảo đều trong khoảng 10 phút thì tắt bếp.
Lấy xôi ra đĩa bày thành xôi 3 tầng 2 tầng nếp, 1 tầng đậu xanh ở giữa, trên rưới thêm ít nước cốt dừa, dừa sợi và thưởng thức. Cầu kỳ hơn bạn có thể rang thêm vừng, lạc và rắc trên mặt món ăn sẽ ngon hơn.
-
Xôi sắn ngọt
Bên cạnh nấu xôi với ngô, khoai, xôi cũng được nhiều người nấu với sắn.
Dưới đây là công thức nấu món xôi sắn ngọt được nhiều người tham khảo làm cho gia đình.
Nguyên liệu gồm có:
Củ sắn (nên chọn củ sắn nhỏ, còn non, vết cắt 2 đầu trắng, không có vết vòng tròn đen là sắn mới, ăn ngon hơn), gạo nếp, nước cốt dừa, dừa nạo sợi, lạc rang, vừng rang.
Sơ chế nguyên liệu:
Sắn lột vỏ cắt thành miếng bằng đốt tay đem ngâm với nước muối loãng trong 4-5h. Trong quá trình ngâm, cẩn thận hơn bạn có thể chắt bỏ nước một vài lần bảo đảm loại bỏ độc tố trong sắn.
Gạo ngâm qua đêm hoặc ngâm ít nhất trong 6-8 tiếng.
Cho gạo trộn lẫn vào nhau rắc thêm một chút muối đảo đều.
Nấu xôi sắn ngọt
Cho các nguyên liệu vào nồi hấp. Khi hấp xôi chín mềm, cho nước cốt dừa, một chút đường, dừa sợi, chút vừng vào đảo đều. (Tao nhã hơn bạn cũng có thể đợi sau khi xôi chín xới ra bát rắc dừa sợi, vừng). Tiếp tục hấp xôi 5-`10 phút cho các nguyên liệu quyện vào nhau và tắt bếp.
-
Xôi vò
Một trong các món xôi ngon miền Bắc tiếp theo mình muối giới thiệu đến bạn đó là món xôi vò. Xôi vò sở hữu có tên là xôi vò vì đây là loại xôi sau khi chín được đem đi vò. Xôi vò không dính kết như xôi nếp thông thương, các hạt xơi tơi ra và không kết dính với nhau.
Để làm được xôi vò, các bước cần làm như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, đậu xanh, (tỷ lệ 1/1) dầu ăn, muối
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp ngâm qua đêm hoặc ngâm tối thiểu 6-8 tiếng. Đổ ra rổ rá cho ráo nước. Sau đó cho thêm chút muối vào đảo đều.
Đỗ xanh ngâm từ 3-4 tiếng. Nếu có vỏ thì đãi sạch vỏ, sau đó cho thêm chút muối vào đảo đều.
Cách nấu xôi vò:
Cho đỗ xanh vào hấp chín. Khi đỗ chín cho ra tô, bát đánh tơi đỗ xanh.
Cho ½ đỗ đánh tơi vào gạo đảo đều rồi đem hấp chín xôi.
Khi xôi chín, đổ xôi ra mâm cho thêm ½ đậu xanh vào trộn cùng rồi vò nhẹ tay cho gạo và đậu xanh trộn vào đều nhau.
-
Xôi ba tầng
Xôi 3 tầng là loại xôi có 3 màu sắc, mỗi màu sắc một tầng. Món xôi này khá đơn giản để có thể làm.
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, đậu xanh, lá dứa, gấc, muối, đường, dầu ăn
Sơ chế nguyên liệu:
Đậu xanh ngâm trong 3-4 tiếng. Nếu là đậu xanh có vỏ thì đãi sạch vỏ cho thêm chút muối.
Lá dứa đem xay lấy nước trong. Gấc bổ lấy phần ruột đỏ.
Chia gạo thành 2 phần đều nhau, rửa sạch. Một phần đem ngâm với nước lá dứa. Một phần đem ngâm nước trắng bình thường. Ngâm trong thời gian từ 6-8 tiếng. Phần gạo trắng cho thêm chút muối, trộn với ruột gấc đảo đều. Phần gạo ngâm nước lá dứa lúc này đã ngấm vào hạt gạo ít nước, đổ ra rổ, rá cho ráo nước thêm chút muối đảo đều.
Nấu xôi ba tầng:
Hấp chín đậu xanh sau đó đổ ra bát đánh nhuyễn đậu xanh với một chút đường cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
Hấp 2 phần gạo nếp, mỗi loại gạo một bên trong nồi hấp, khi xôi chín mềm cho thêm chút đường, dầu ăn vào đảo đều rồi hấp thêm vài phút cho các nguyên liệu trộn đều vào nhau rồi tắt bếp
Sử dụng khuôn xôi, xới xôi gấc ở tầng dưới cùng sau đó là đậu xanh rồi đến xôi nếp.Lưu ý mỗi lần cho một loại xôi bạn ấn nắm xôi cho bề mặt bằng khi xới xôi sẽ rất đẹp mắt.
Như vậy bạn đã hoàn thành đĩa xôi 3 tầng cho cả gia đình cùng thưởng thức.
-
Xôi nếp lá dứa
Một trong các món xôi ngon dễ làm mình muốn giới thiệu đến bạn là món xôi nếp lá dứa. Món xôi có màu xanh lá rất đẹp.
Để nấu món xôi này bạn cần phải thực hiện lần lượt các bước như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, lá dứa, nước cốt dừa, đường, muối, dầu ăn
Sơ chế nguyên liệu:
Lá dứa đem xay lấy nước trong để ngâm gạo, để một vài lá để cho vào nồi hấp xôi cho thơm
Cho nước lá dứa vào gạo nếp đem ngâm qua đêm hoặc ngâm trong thời gian từ 6-8 tiếng. Sau đó vớt ra để ráo nước và trộn đều với một chút muối ăn.
Nấu xôi nếp lá dứa
Cho lá dứa vào nồi nước hấp.
Tiếp đó, bạn cho nếp vào hấp. Khi xôi chín mềm, cho thêm chút đường, nước cốt dừa vào đảo đều rồi hấp tiếp vài phút cho các nguyên liệu trộn đều vào nhau. Sau đó tắt bếp xới xôi ra đĩa.
Để xôi đẹp mắt hơn bạn có thể rắc thêm một chút dừa nạo sợi hoặc một chút vừng.
>>Xem thêm: Các món nộm ngon 22 công thức lạ miệng không biết thật hối tiếc! |
B. Cách nấu các món xôi mặn ngon
-
Xôi phúc kiến
Xôi phúc kiến là một trong các món xôi ngon lạ miệng người Việt hiện nay làm rất nhiều nhưng nguồn gốc của món xôi này bắt nguồn bởi người Hoa. Món xôi phúc kiến phổ biến ở khu vực miền Nam, là một món xôi mặn.
Các nấu xôi phúc kiến như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, lạp xưởng, nấm hương, tôm nhỏ khô, xì dầu, đường, muối ăn, hành khô
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp ngâm từ 6-9 tiếng sau đó rửa sạch, để ráo nước trộn một xíu muối ăn.
Nấm hương, tôm đem ngâm 1 tiếng cho mềm.
Nấm hương sau khi ngâm xắt nhỏ. Lạp xưởng đem thái lát mỏng.
Đập nhỏ hành khô
Cách nấu xôi phúc kiến:
Cho chảo lên bếp, đun nóng, cho dầu ăn vào phi thơm hành khô. Tiếp đó cho tôm nhỏ, nấm hương vào xào, cho thêm một chút đường, một chút xì dầu đảo đều cho các nguyên liệu ngấm gia vị. Bạn lưu ý không nên xào chín, chỉ đảo sơ qua cho các nguyên liệu ngấm vào nhau hơi mềm một chút..
Đổ các nguyên liệu đã xào vào gạo đảo đều rồi đem đi hấp. Khi xôi hấp đã mềm, dẻo, cho thêm xì dầu, chút đường vào đảo đều rồi hấp tiếp thêm một chút thời gian sau đó tắt bếp xới xôi ra đĩa. Như vậy bạn đã có xôi phúc kiến ngon lành cho gia đình.
-
Xôi bồ câu hạt sen
Xôi bồ câu hạt sen là một món xôi được nấu rất nhiều trong nhà hàng, khách sạn, được nhiều gia đình nấu để đãi khách thể hiện tấm thịnh tình, sự trân trọng khách mời.
Món xôi ngon bổ này được nấu như sau:
Nguyên liệu gồm có
Gạo nếp, chim bồ câu, hạt sen, tiêu, muối, đường, hành củ, dầu ăn.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp đem ngâm trong 6-8 tiếng để ráo nước cho thêm chút muối trộn đều.
Hạt sen rửa sạch đem luộc từ 10-15 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch
Chim bồ công làm sạch, lọc lấy thịt, băm nhỏ, nêm chút muối, đường, tiêu trộn đều cho ngấm gia vị
Hành củ bóc vỏ thái miếng.
Cách nấu xôi bồ câu hạt sen:
Cho gạo nếp và hạt sen vào trộn đều đem hấp trong nồi hấp
Cho dầu vào chảo phi thơm hành trong chảo, cho chim bồ câu đã trộn gia vị vào xào chín đổ ra bát
Cho hành vào phi thành những lát vàng vớt ra bát nhỏ.
Khi xôi mềm, dẻo, cho chim bồ cầu đã xào chín, hành phi vàng vào đảo đều rồi hấp tiếp trong vài phút cho các nguyên liệu quyện đều vào nhau. Như vậy, bạn đã có một món xôi bồ câu hạt sen thơm ngon tuyệt vời cho cả gia đình.
-
Xôi mực
Xôi mực là một một món xôi mặn, ngon bổ, so với nhiều loại xôi khác thì có giá không rẻ và công chế biến cũng công phu hơn. Đây là một trong các món xôi mặn ngon được người Bắc yêu thích nhất.
Để nấu xôi mực bạn có thể làm như sau:
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, thịt ba chỉ, khô mực, sa tế, hành củ, tỏi, ớt, hạt nêm, hạt tiêu, đường.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp đem ngâm qua đêm hoặc ngâm từ 6-8 giờ sau đó rửa sạch xóc thêm chút muối trắng vào trộn đều.
Thịt ba chỉ rửa sạch, chần qua với nước sôi trong 3 phút sau đó thái miếng mỏng, vừa ăn.
Khô mực ngâm cho mềm sau đó cắt thành sợi nhỏ.
Đập dập hành tím, tỏi, băm nhỏ
Cách nấu xôi mực:
Cho gạo vào hấp chín mềm (nếu có lá dứa bạn có thể cho vài lá trong nồi nước hấp sẽ giúp xôi thơm hơn)
Cho dầu nóng vào chảo xào thịt ba chỉ cho săn lại, khi thịt đã hơi săn lại cho thêm hành băm, tỏi băm vào đảo đều cho thịt và hành tỏi quyện vào nhau. Tiếp đó cho khô mực vào xào cùng rồi nêm hạt nêm, tiêu xay, đường, sa tế, ớt cắt vào đảo đều cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau khoảng 3-5 phút rồi tắt bếp.
Cho xôi ra đĩa, múc phần nhân thịt heo, khô mực vừa xào lên trên.
-
Xôi bát bửu
Xôi bát bửu không giống như xôi mặn của người Việt, gốc của loại xôi này là của người Hoa. Xôi gồm có 8 vị khác nhau nên được gọi là xôi bát bửu. Đây là loại xôi được yêu thích rất nhiều khu vực miền Nam.
Nguyên liệu gồm có:
Gạo nếp, lạp xưởng, nấm hương, lạc, củ cải muối, thịt nạc vai, bột xá xíu, hạt sen, tôm khô, hành lá, dầu hào, nước tương.
Sơ chế nguyên liệu:
Gạo nếp đem ngâm 4-6 tiếng, rửa sạch để ráo
Củ cải muối rửa sạch, ngâm nước cho nhả muối mặn.
Tôm khô, nấm hương, củ cải muối ngâm trong 30 phút. Sau đó vớt ra để ráo nước, cắt sợi nấm hương, cắt củ cải muối thành từng đoạn ngắn.
Lạp xưởng thái miếng vát.
Hạt sen rửa sạch đem luộc cho mềm, vớt ra, rửa sạch.
Ướp thịt lợn vào bột xá xíu cho ngấm gia vị. Sau đó cho thêm một chút nước đổ vào chảo rim lửa cho đến khi cạn nước, chờ nguội cắt miếng nhỏ giống hạt lựu.
Lạc rang, giã để chấm.
Cách nấu xôi bát bửu:
Cho dầu vào chảo, phi thơm hành lá cho thịt xá xíu, tôm khô, lạp xưởng vào đảo đều, cho một chút dầu hào, một chút tương ớt, một chút nước tương, một chút xíu đường và đảo đều. Cho nấm hương, củ cải muối vào đảo cùng cho chín.
Đảo hạt sen, phần nhân vừa chế biến vào gạo nếp đảo đều. Sau đó cho vào nồi hấp, khi xôi mềm đảo đều xôi, sau đó hấp thêm một vài phút. Xới xôi ra bát sau đó rắc thêm lạc. Như vậy bạn đã có xôi bát bửu thơm ngon cho gia đình cùng thưởng thức.
Trong các công thức nấu các món xôi ngon trên mình không chia sẻ chi tiết số lượng, trọng lượng của từng nguyên liệu, thời gian nấu mà chỉ chia sẻ công thức chung vì khi nấu có người nấu nhiều, có người nấu ít, có người dùng nếp cũ, có người dùng nếu mới, mỗi gia đình có những khẩu vị mặn nhạt riêng.
Hi vọng bạn có thể linh hoạt trong khi nấu sao cho phù hợp với sở thích của bản thân và của các thành viên trong gia đình, bạn bè. Chúc bạn có thể trổ tài nấu thật nhiều các món xôi ngon cho người thân, bạn bè mình nhé!
>> Xem thêm: Các món canh ngon mùa hè dễ làm 22 công thức ai ăn cũng khen tấm tắc |