Các món bánh Việt Nam dân dã trong bài viết này được sưu tầm tổng hợp từ công thức của các nghệ nhân là người Hà Nội xưa. Các món bánh đều làm thủ công bằng tay, không cần nồi chiên không dầu, không cần lò nướng, nguyên liệu tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Mời bạn cùng thao khảo…
Các món bánh Việt Nam dân dã dễ làm từ bột nếp
Bột nếp được xay từ gạo nếp. Đây là một trong những nguyên liệu giá rẻ, rất dễ dàng tìm mua tại các chợ, siêu thị hiện nay. Từ bột nếp, người Hà Nội xưa đã làm được rất nhiều các món bánh Việt Nam dân dã ăn sáng, ăn vặt, làm quà tặng.
Bánh giầy trắng
Bánh giầy trắng là một trong những loại bánh khi kẹp với giò, chả hoặc thịt tạo thành món bánh ăn sáng rất lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Để làm món bánh giầy trắng cách làm của người Hà Nội xưa như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Gạo nếp (cân đối theo số lượng người ăn)
- Cách làm
Gạo nếp vo kỹ, ngâm nước lã một đêm. Sáng hôm sau, xóc nước cho hết chua, để ráo nước rồi hấp thành xôi.
Rỡ xôi ra mẹt, khi xôi còn nóng, dùng chày đứng giã liên tục tạo thành bột trắng quánh mịn. Khi giã đầu chày phải xoa mỡ hoặc dầu ăn cho khỏi dính.
Bánh giã xong nặn từng cái tròn dẹt đặt trên mặt lá chuối tươi rồi để thật nguội sau vài giờ ăn mới ngon.
Bánh giầy đỗ
Bánh giầy đỗ là món bánh cổ truyền từ xa xưa vẫn rất được ưa chuộng ở hiện tại. Là một trong những món bánh xuất hiện rất nhiều trong các bữa cỗ cưới ở miền Bắc hiện nay. Bánh giầy đỗ cũng là đồ ăn sáng được nhiều người lớn, trẻ nhỏ yêu thích.
Cách làm bánh giầy đỗ của người Hà Nội xưa cũng rất dễ dàng. Bạn có thể thực hiện như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Gạo nếp, đậu xanh. Lượng gạo gấp đôi lượng đậu xanh
- Cách làm bánh giầy đỗ
Đem gạo nếp vo kỹ, đậu xanh ngâm nước lã một đêm (nếu ngâm ban ngày thì ngâm khoẳng 8h). Ngâm gạo riêng, đậu xanh riêng.
Xóc nước vo lại gạo cho hết chua rồi để ráo nước, đem hấp thành xôi. Đậu xanh đem hấp chín.
Khi xôi chín, rỡ xôi ra mẹt, khi xôi còn nóng, dùng chày đứng giã liên tục cho đến khi tạo thành khối bột trắng quánh mịn. Khi giã đầu chày phải xoa mỡ hoặc dầu ăn cho khỏi dính.
Lấy ⅔ lượng đậu xanh giã nhuyễn vo tròn làm nhân, ⅓ còn lại để rắc phủ bên ngoài.
Vắt từng miếng bột trắng mới giã cho nhân đậu xanh vào nặn thành bánh hình tròn dẹt, lăn vào phần đậu xanh không làm nhân. Từng chiếc bánh đặt lên không cần lá hay lót.
Bánh chưng
Bánh chưng chính là một trong những món bánh Việt Nam cổ truyền dân dã mà người Việt Nam nào cũng biết, cũng nhắc đến mỗi khi Tết đến xuân về.
Bánh chưng mỗi vùng miền có những hương vị và cách làm không giống nhau. Song với người Hà Nội xưa cách làm bánh chưng phổ biến nhất theo công thức như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Gạo nếp, đậu xanh, lá dong, giang lạt, thịt lợn, mắm, tiêu, tinh dầu cà cuống
- Cách làm bánh chưng
Gạo nếp cái vo sạch, để róc nước, sau lại dội nước lã, làm thế độ 4-5 lần
Đậu xanh (bằng nửa gạo nếp) ngâm, đãi sạch vỏ, nấu chín, giã nhuyễn rồi chia thành từng nắm để cứ mỗi bánh sẽ dùng 2 nắm đậu làm nhân. Thịt lợn thái miếng to, lượng thịt bằng khoảng ¾ lượng đậu, ướp nước mắm, hạt tiêu hoặc tinh dầu cà cuống khoảng 2 giờ.
Lá dong rửa sạch, lau khô, cắt cuống, tước sống lá, lạt giang nhúng nước cho dẻo để sẵn
Gói bánh: Trải lá dong làm 2 lớp. Lớp ngoài để mặt lá cho vỏ bánh đẹp. Lớp trong để mặt lá vào trong cho bánh xanh.
Đổ một lớp gạo nếp phía dưới, dàn ra cho đều rồi đặt một nắm đậu bóp dẹt đặt vào giữa, tiếp theo đặt miếng thịt lên mặt đậu rồi lấy một nắm đậu nữa bóp dẹt, đặt trùm lên trên miếng thịt, sau đổ tiếp một lớp gạo nếp lên trên mặt đậu, dàn ra cho phẳng.
Gói bánh cho kín, dùng lạt giang buộc chặt rồi cho vào nồi luộc khoảng 12 giờ thì chín. Bánh vớt ra thả vào nước lạnh ngay cho lá xanh đẹp, dùng vật nặng nén lên cho bánh rền, không bị nhão vì sũng nước.
Bánh gai
Bánh gai được gói bởi tầng tầng lớp lớp vỏ chuối khô. Bên trong bánh có vỏ màu đen, nhân vàng. Đây cũng là món bánh Việt Nam dân dã dễ làm tại nhà, thức quà ăn vặt, được rất nhiều người yêu thích.
Để làm bánh gai theo công thức của người Hà Nội xưa như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Bột nếp, đậu xanh, bột lá gai, dừa sợi, hạt sen, đường, lá chuối khô tự nhiên trên cây
- Cách làm bánh gai
Vỏ bánh: Lấy bột nếp trộn bột lá gai, trộn đường, đổ thêm một chút nước, nhào kỹ cho dẻo để làm áo bánh. Lượng bột nếp, bột lá gai, lượng đường bằng nhau.
Nhân bánh: Đậu xanh nấu chín, giã nhuyễn cho thêm dừa nạo sợi, hột sen trần… làm nhân. Lượng nhân bánh có trọng lượng bằng lượng vỏ bánh.
Lấy bột vỏ bánh cho nhân nặn thành chiếc bánh hình vuông nhỏ, 2 mặt rắc vừng trắng đã rang, rồi đem hấp chín.
Dùng lá chuối khô tự nhiên trên cây, rửa sạch gói thành hình vuông. Bánh gai làm khéo thì dẻo, thơm, ngọt, bùi để lâu không bị khô, không bị thiu
Bánh khúc
Bánh khúc cũng là một trong các món bánh Việt Nam dân dã xưa song vẫn rất được ưa chuộng hiện nay. Đây cũng là món bánh được dân văn phòng thường mua ăn sáng.
Để làm bánh khúc, công thức của người Hà Nội xưa như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Bột nếp, bột tẻ, lá rau khúc, đậu xanh, hành lá xắt nhỏ, tiêu bột, mỡ lợn xắt hột lựu
- Cách làm bánh khúc
Lá rau khúc luộc chín, vắt nước giã nhỏ cho thêm ít muối rồi trộn vào 8 phần bột gạo nếp 2 phần bột gạo tẻ thật dẻo để làm vỏ bánh.
Đậu xanh ngâm 4-6 tiếng, đãi sạch vỏ, đem hấp chín rồi giã nhuyễn trộn lẫn với hành lá xắt nhỏ, tiêu bột, mỡ lợn xắt hột lựu rồi viên thành từng viên bằng quả táo để làm nhân bánh. Lượng nhân bằng 1/2 lượng vỏ bánh.
Lấy bột vỏ bánh nặn thành hình tròn, trong có nhân. Bánh thường chỉ to bằng quả quýt. Phía ngoài vở bánh lăn vào gạo nếp cái (đã ngâm hoặc xóc muối như để đồ xôi) Xếp bánh vào chõ hấp, cứ một lớp bánh rải một lớp gạo nếp ngâm. Lượng gạo nếp bằng ½ lượng vỏ bánh. Hấp đến khi nếp chín, bánh chín.
Bánh khúc ăn nóng hổi mới ngon. Bánh làm khéo thì xôi, bánh đều dẻo, thơm bùi béo ăn rất ngon miệng.
Bánh rán
Bánh rán là món bánh thức quà đi chợ gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X. Và vẫn được nhiều người yêu thích hiện nay.
Để làm được món bánh rán theo công thức của các người Hà Nội xưa bạn có thể làm theo hướng dẫn sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Bột nếp, bột tẻ, đậu xanh, vừng trắng, dầu mỡ, đường
- Cách làm bánh rán
Bột nếp trộn 1/10 bột tẻ, cho một chút nước nhào kỹ cho dẻo, chia riêng từng phần để làm mỗi chiếc bánh.
Đậu xanh ngâm khoảng 4-6 tiếng rồi đem đãi vỏ, nấu chín, giã nhuyễn vo thành từng viên nhỏ bằng quả táo để làm nhân. Lượng nhân bằng nửa lượng bột làm vỏ bánh.
Lấy bột bọc ngoài viên nhân, nặn thành cái bánh hình tròn dẹp, rắc một ít vừng trắng rồi cho vào rán trong chảo ngập mỡ hoặc dầu ăn đến khi chín vàng. Bánh nặn đến đâu rán ngay đến đó không để sẵn ở ngoài
Lưu ý, nếu làm bánh rán đường hay mật thì phải đun đường hay mật cho chảy rồi đổ từng mẻ bánh rán vào, đảo đều trên bếp nóng để đường mật bám vào bánh
Bánh rán làm khéo thì vỏ bánh chín vàng, đường hoặc mật bao đều mà khô, bánh ăn ngoài giòn trong dẻo, vị ngọt, hương thơm, nhân bùi, mùi béo. Bánh rán ăn lúc nóng hoặc còn ấm ấm mới ngon, loại bánh rán đường hoặc mật, khi ăn, uống kèm với nước chè tươi nấu đặc được nhiều người ca ngợi là ngon tuyệt.
Bánh mật
Bánh mật nghe tên gọi của nó cũng biết rằng đó là một loại bánh có vị ngọt. Ở Hà Nội, bánh mật cũng là một trong các món bánh của Việt Nam dân dã dễ làm nhiều người bán và nhiều người mua ăn sáng, ăn vặt.
Để làm món bánh mật, cách làm của người Hà Nội xưa như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Bột nếp, đậu xanh, mật, lá chuối trần nước sôi, thịt mỡ lợn
- Cách làm bánh mật
Cho bột nếp nhào với nước và mật sao cho dẻo, dễ nặn để làm áo bánh. Đậu xanh ngâm đãi sạch vỏ, nấu chín giã nhỏ cho thêm thịt mỡ lợn làm nhân. Lượng đậu bằng ½ lượng bột.
Lá chuối trần nước sôi cho dẻo, xoa mỡ gói bánh thành hình vuông dẹt rồi hấp chín.
Bánh mật làm khéo thì ăn dẻo, bùi thơm béo. Màu bánh không quá đỏ cũng không quá nhợt nhưng đủ độ ngọt.
Bánh trôi
Không chỉ Tết hàn thực 3/3 âm lịch mọi người mới làm bánh trôi mà bánh trôi còn được làm để bán ăn sáng rất nhiều tại các chợ. Đây cũng là món bánh dân dã được rất nhiều người yêu thích.
Để làm bánh trôi, công thức của người Hà Nội như sau:
- Nguyên liệu gồm có
Bột nếp, bột tẻ, đường phèn,
- Cách làm bánh trôi
Bột nếp pha 1/10 bột tẻ, nhào nước hoa bưởi cho thơm cho dẻo để nặn vỏ bánh
Đường phèn xắt miếng vuông cỡ đầu ngon tay để làm nhân. Lượng đường bằng ⅓ lượng bột.
Lấy bột bọc kín miếng đường rồi vo viên tròn cho vào nước đang sôi để luộc. Khi thấy bánh trong và nổi lên thì vớt ra thả vào nước lạnh, sau đó vớt xếp vào đĩa nhỏ khoảng 7-9 viên. Để nguội se mặt bánh ăn mới ngon.
Bánh trôi làm khéo thì trắng, dẻo, thơm ngọt, bánh không bị vỡ nát.
Bánh ú
Bánh ú là món bánh dân dã của người Hà Nội xưa song không thực sự phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nhưng đây cũng là một trong những món bánh rất dễ làm, bạn có thể làm đổi vị cho người thân yêu.
Để làm bánh ú, cách làm của người Hà Nội xưa như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Gạo nếp, đậu xanh, đậu đỏ, thịt heo, mỡ hành, mắm muối tiêu, lá chuối tươi
- Cách làm bánh ú
Gạo nếp vo sạch, để ráo nước, xóc thêm một chút muối cho đậm, làm vỏ bánh.
Đậu xanh, đậu đỏ ngâm cho nở. Thịt heo băm nhỏ xào hành mỡ, mắm muối, tiêu vừa ăn. Trứng vịt luộc xắt nhỏ cho vào làm nhân. Tất cả lượng nhân nhiều bằng lượng gạo làm vỏ bánh
Lá chuối tươi xoáy thành hình hoa loa kèn rồi cho gạo nếp và nhân bánh vào gói lại, đem luộc khoảng 2 tiếng.
Bánh ú làm khéo thì dẻo, đậm đà, nhân đủ vị bùi, béo, thơm ngon. Dáng bánh gói gọn gàng, đầy đặn không bị o ép.
Bánh nếp
Bánh nếp cũng là một trong các món bánh dân dã được làm từ bột nếp dễ làm, món ăn lót dạ buổi sáng chắc dạ, được nhiều người yêu thích.
Bánh nếp làm theo công thức của người Hà Nội xưa có thể thực thiện như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Bột nếp, bột tẻ, thịt lợn (có cả mỡ và nạc), mộc nhĩ, hành khô, mắm, muối, bột hạt tiêu, lá chuối chần tái.
- Cách làm bánh nếp
Bột nếp pha 1/10 bột tẻ cho đỡ dính, hòa nước sôi trộn đều nhào cho dẻo, để làm vỏ bánh.
Thịt lợn có đủ nạc, mỡ, mộc nhĩ, hành khô xắt nhỏ xào với mắm muối rắc bột hạt tiêu cho vừa ăn làm nhân bánh. Lượng nhân bánh bằng ½ lượng vỏ bánh.
Lá chuối chần tái, xoa mỡ rồi gói bánh thành hình vuông dẹp to cỡ nửa bàn tay xong đem hấp khoảng 1 giờ là chín
Bánh nếp làm khéo thì vỏ bánh dẻo, không dính lá, nhân bánh thơm ngon, đậm đà
Bánh chè lam
Bánh chè làm là món bánh Việt Nam dân dã, cổ truyền, đặc sản làm quà của Hà Nội được nhiều người yêu thích.
Người Hà Nội xưa khi làm bánh chè lam cách làm thường như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Thóc nếp khô, lạc, gừng, mật mía
- Cách làm bánh chè lam
Đem thóc nếp khô rang cho nổ trắng thành bỏng nẻ, sẩy sạch vỏ trấu. Tiếp đó, giã bỏng nẻ thành bột mịn rồi trộn với mật mía cho đủ ngọt, cho thêm lạc rang đã đãi vỏ, gừng băm vụn, đổ chút nước nhào kỹ thành khối dẻo, rồi cho vào hấp lên một lượt
Đem bột đóng khuôn, cán, cắt thành những miếng mỏng hình vuông, ngắn, dài tùy ý. Trong khi cán cắt dùng bột khô làm áo cho bánh khỏi dính
Bánh chè lam làm khéo thì ngọt, bùi thơm và mịn
Các món bánh Việt Nam dân dã làm từ bột gạo tẻ
Việt Nam thời ông bà chúng ta là một nước phần lớn người dân sống bằng nông nghiệp trồng lúa nước. Vì thế, gạo tẻ là loại lương thực sẵn có trong nhà. Từ gạo tẻ, ông bà ta đã sáng tạo ra rất nhiều món bánh Việt Nam dân dã, ăn ngon.
Sau đây là cách làm các món bánh dân dã của Việt Nam tại nhà từ bột gạo tẻ theo công thức của người Hà Nội xưa.
Bánh cuốn
Bánh cuốn ở miền Bắc một số nơi còn gọi là bánh tráng. Đây là một trong những món bánh dân dã được rất nhiều người yêu thích.
Cách làm bánh cuốn của người Hà Nội xưa như sau:
- Nguyên liệu cần chuẩn bị
Gạo tẻ, thịt nạc, mộc nhĩ, hành hoa, gia vị (mắm, chanh, ớt, tinh dầu cà cuống)
- Cách làm bánh cuốn
Gạo tẻ vo sạch, ngâm khoảng 2 giờ rồi xay với nước. Cứ 1 kg gạo thì cần 2,5 lít nước.
Đặt khuôn vải trên miệng nồi nước sôi, dùng cái muôi múc bột vừa xay tráng lên mặt khuôn rồi đậy vung lại, độ 1-2 phút mở ra thấy bánh trong là chín. Dùng que gợt quệt mỡ, hành phi thơm hoặc thịt nạc, mộc nhĩ, hành hoa xắt nhỏ đã xào chín trải vào bánh rồi quấn lại thành hình tròn dài như dóng mía. Lúc ăn dùng kéo cắt thành từng đoạn dài khoảng đốt ngón tay.
Nước chấm là nước mắm vắt chanh dầm ớt, pha tinh dầu cà cuống. Có giò lụa, chả quế ăn kèm với bánh cuốn càng ngon.
Bánh cuốn tráng khéo thì mỏng, hơi dai, nhân thơm ngon, chấm nước mắm ngọt dịu, không mặn quá
Bánh giò
Bánh giò cũng là một trong các món bánh dân dã của người Việt có nguyên liệu chính từ bột gạo tẻ. Bánh giò trước kia được yêu thích, theo thời gian vẫn giữ nguyên giá trị, là một trong các loại bánh dân dã dễ làm song được nhiều người yêu thích đặc biệt là các bạn trẻ.
Để làm bánh giò theo công thức của người Hà Nội xưa bạn có thể làm như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị:
Bột tẻ, thịt nạc, mộc nhĩ, hành khô, lá chuối
- Cách làm bánh giò
Bột tẻ hòa nước sôi bỏ muối cho đậm rồi quấy thành hồ sền sệt để làm áo bánh. Thường cứ 1 cân bột cho 3,5 lít nước là vừa.
Thịt nạc xắt hột lựu. Mộc nhĩ ngâm cho nở. Hành khô, mộc nhĩ băm nhỏ xào với mắm muối cho vừa mặn, làm nhân.
Lá chuối luộc chín, trải ra, xúc bột vào gói lúc bột vừa quấy xong hãy còn nóng. Cho nhân vào giữa và gói chặt tay thành dạng bánh gù và buộc dây chặt.
Bánh luộc khoảng 1 giờ là chín
Bánh giò làm khéo thì bánh ăn đậm, nhân bùi, béo, áo bánh mướt, không nhão. Ăn kèm với dưa chuột góp sẽ rất ngon.
Bánh đúc
Bánh đúc kết duyên cho Tràng trong “Vợ nhặt” của Kim Lân. Và cũng là một trong các món bánh dân dã dễ làm tiếp theo trong bài viết này xin giới thiệu đến bạn món bánh đúc theo công thức của người Hà Nội xưa.
Cách làm như sau:
- Nguyên liệu
Gạo tẻ, nước vôi tôi, lá chuối tươi
- Cách làm bánh đúc
Gạo tẻ xay với nước, cứ 1 kg gạo cần 3 lít nước. Nước vôi tôi khoảng 0,02kg cho 1 kg gạo, để lắng trong hòa vào nước bột gạo tẻ.
Đun nhỏ lửa, quấy đều tay cho bột khỏi vón cục hoặc khê. Khi thấy bột trong là bánh đã chín.
Đổ bánh vào sàng, mẹt dưới đặt lá chuối tươi, để nguội mới ăn.
Bánh đúc nấu khéo thì giòn, khi bẻ dễ gãy, vết gãy ráo nước, không nồng mùi vôi. Bánh đúc để nguội dùng dao xắt thành từng miếng để lấy ra ăn. Khi ăn phải bẻ nhỏ chấm với mắm tôm lỏng hoặc tương.
Xem thêm: |
Các món bánh ngon dễ làm từ ngô, khoai, sắn
Ngoài bột gạo nếp, bột gạo tẻ còn có các món bánh ngon của Việt Nam dân dã dễ làm từ nguyên liệu chính đó là ngô, khoai, sắn, kê …
Bánh phu thê
Bánh su sê hay còn gọi là bánh phu thê. Đây là món bánh xuất hiện trong các đám cưới hỏi.
Cách làm bánh phu thê của người Hà Nội xưa như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Bột củ sắn, đường, đậu xanh
- Cách làm bánh phu thê
Bột củ sắn hoặc bột rong ngâm một ngày, để lắng, gạn nước trong đi, đổ nước khác vào ngâm. Cứ làm thế vài lần cho bột trắng, hết chua.
Đem bột trộn đường (đường bằng khoảng ½ lượng bột) hòa nước sau đó nhào nhuyễn để làm vỏ bánh. Nếu muốn bánh có màu đỏ thì dùng nước trái gấc, nếu muốn bánh có màu vàng thì dùng nước quả dành dành hoặc hột điều, nếu muốn bánh có màu xanh thì dùng nước lá dứa.
Đậu xanh ngâm, đãi vỏ, nấu chín, giã nhuyễn làm nhân. Lượng nhân bằng lượng áo bánh hoặc ít hơn. Bánh nặn hình tròn xoe như quả quýt, trên mặt rắc vừng rang đã xát vỏ rồi hấp chín.
Bánh phu thê khéo làm thì ăn giòn, ngọt đậm, bùi thơm, áo bánh màu đẹp, xinh xắn.
Bánh đa khoai
Khoai lang cũng là một trong những lương thực sẵn có thời xưa. Từ khoai, người Hà Nội xưa đã làm ra những chiếc bánh đa khoai theo công thức như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị:
Củ khoai lang
- Cách làm:
Khoai lang tươi rửa sạch, cắt đầu đuôi luộc chín, chọn loại khoai ít bở và có độ ngọt cao mới ngon, (khoai sống để lâu sẽ ngọt hơn khoai mới thu hoạch).
Đổ khoai ra để nguội bóc sạch vỏ rồi giã nhuyễn
Đem khoai giã, cán thành tấm mỏng trên khuôn tròn bằng cỡ miệng bát rồi phơi khô
Khi ăn nướng trên than cả hai mặt cho bánh vàng
Bánh đa kê
Mặc dù không nổi tiếng với món bánh đa kê như ở tỉnh Bắc Giang song bánh đa kê cũng là một trong những món bánh Việt Nam cổ truyền dễ làm được nhiều gia đình ở Hà Nội xưa thường làm.
Để làm món bánh đa kê công thức của người Hà Nội xưa như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị
Kê, đậu xanh, bánh đa vừng, đường cát
- Cách làm bánh đa kê
Kê vo sạch, ngâm nước độ hai giờ cho nở, xong vớt ra rá để ráo nước
Đun nước đổ kê vào nấu như nấu cơm, cứ 1 cân kê khô cần 2 lít nước. Khi kê chín đổ ra rá hay mẹt cho nguội ráo
Đậu xanh xiết, ngâm, đãi võ, nấu chín giã nhuyễn, nắm tròn như quả cam, để nguội. Lượng đậu bằng ⅓ lượng kê là vừa.
Bánh đa vừng nướng chín kỹ, dùng cái quết kê ( thường cắt bằng mo cau) xúc kê quết vào một lớp bánh đa cho đều
Lấy dao thái mỏng nắm đậu cho đậu tơi ra, rải đều lên trên lớp kê
Rắc đường cát lên trên lớp đậu, lượng đường vừa đủ ngọt. Gập đôi miếng bánh đa lại, kẹp lớp kê đậu đường vào giữa áo bánh và hai lớp bánh đa.
Bánh đa kê thường cắt thành từng miếng, nhỏ bằng cỡ bàn tay. Cắt miếng lớn quá ăn lâu, bánh đa thấm mềm khó cầm.
Bánh đa kê làm khéo thì bánh dầy, nướng nở đều khi ăn mới không bị dai. Lượng kê, đậu đường vừa phải.
Bánh đúc ngô
Bánh đúc ngô là món bánh đúc không được làm từ bột gạo mà được làm từ bột ngô. Mặc dù công thức làm có tương đối giống nhau song vì nguyên liệu khác nhau nên khi thưởng thức sẽ có những cái thú vị riêng.
Để làm món bánh đúc ngô theo công thức của người Hà Nội xưa bạn có thể thực hiện như sau:
- Nguyên liệu chuẩn bị:
Ngô, nước vôi tôi, lạc, lá chuối tươi
- Cách làm bánh đúc ngô
Ngô ngâm nước vôi trong vài ba giờ (1 kg ngô cho 0,05kg vôi tôi) sau đó đem vo sạch, xay với 2.5 lít nước.
Đem nước bột ngô đun nhỏ lửa, quấy đều tay cho khỏi khê. Lạc luộc chín, hoặc rang bóc vỏ lụa giã giập cho vào nồi bánh khi sắp chín quấy đều
Sàng, mẹt lót lá chuối tươi, bánh chín đổ ra như bánh đúc gạo hoặc múc ra từng bát để nguội. Khi ăn chấm nước mắm chanh ớt hoặc muối vừng.
Bánh đúc ngô nấu khéo thì ăn bùi, béo, thơm ngon.
Trên đây là công thức cách làm các món bánh Việt Nam dân dã tại nhà theo công thức của người Hà Nội xưa. Hi vọng mang đến bạn những công thức chuẩn vị Hà Nội xưa giúp bạn làm ra những thức quà bánh thanh tao cùng người thân, gia đình thưởng thức.
—————————————————————————————————————————-
Nguồn tham khảo: Sách “Độc đáo ẩm thực Thăng Long Hà Nội” được viết bởi Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam do Nhà xuất bản Thông tấn phát hành năm 2010.